Tuần 19, 20. Truyện, bài đọc về nơi thân quen, gắn bó
* TUẦN 19: TRUYỆN
Chuyện một khu vườn nhỏ
Bé Thu rất khoái ra ban công ngồi với ông nội, nghe ông rủ rỉ giảng về từng loài cây.
Cây quỳnh lá dày, giữ được nước, chẳng phải tưới nhiều. Cây hoa ti gôn thích leo trèo, cứ thò những cái râu ra, theo gió mà ngọ nguậy như những cái vòi voi bé xíu. Cây hoa giấy mọc ngay bên cạnh bị nó quấn chặt một cành. Những chiếc vòi quấn chắc nhiều vòng, rồi một chùm ti gôn hé nở. Cây đa Ấn Độ thì liên tục bật ra những búp đỏ hồng nhọn hoắt. Khi đủ lớn, nó xòe ra thành chiếc lá nâu rõ to, ở trong lại hiện ra cái búp đa mới nhọn hoắt, đỏ hồng... Có điều Thu chưa vui: Cái Hằng ở nhà dưới cứ bảo ban công nhà Thu không phải là vườn!
Một sớm chủ nhật đầu xuân, khi mặt trời vừa hé mây nhìn xuống, Thu phát hiện ra chú chim lông xanh biếc sà xuống cành lựu. Nó săm soi, mổ mổ mấy con sâu rồi thản nhiên rỉa cánh, hót lên mấy tiếng líu ríu. Thu vội xuống nhà Hằng mời bạn lên xem để biết rằng: Ban công có chim về đậu tức là vườn rồi! Chẳng ngờ, khi hai bạn lên đến nơi thì chú chim đã bay đi. Sợ Hằng không tin, Thu cầu viện ông:
- Ông ơi, đúng là có chú chim vừa đỗ ở đây bắt sâu và hót nữa ông nhỉ!
Ông nó hiền hậu quay lại xoa đầu cả hai đứa:
- Ừ, đúng rồi! Đất lành chim đậu, có gì lạ đâu hả cháu?
Theo Long Vân
Về thăm ngoại
Thanh bước lên thềm, nhìn vào trong nhà. Cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi. Sự yên lặng làm Thanh mãi mới cất được tiếng gọi khẽ:
- Bà ơi!
Thanh bước xuống dưới giàn thiên lí. Có tiếng người đi, rồi bà mái tóc bạc phơ, chống gậy trức ở ngoài vườn vào. Thanh cảm động và mừng rỡ, chạy lại gần.
- Cháu đã về đấy ư?
Bà thôi nhai trầu, đôi mắt hiền từ dưới làn tóc trắng nhìn cháu, âu yếm và mến thương:
- Đi vào trong nhà kẻo nắng, cháu!
Thanh đi, người thẳng, mạnh, cạnh bà lưng còng. Tuy vậy, Thanh cảm thấy chính bà che chở cho mình như những ngày còn nhỏ.
Bà nhìn cháu, giục:
- Cháu rửa mặt rồi đi nghỉ đi!
Lần nào trở về với bà, Thanh cũng thấy bình yên và thong thả như thế. Căn nhà, thửa vườn này như một nơi mát mẻ và hiền lành. Ở đấy, bà lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu Thanh.
Theo Thạch Lam
* TUẦN 20: BÀI ĐỌC
Vườn của ngoại
Vườn nhà ngoại không rộng đâu, chừng một công đất thôi. Nhưng ở đó hầu như đầy đủ cây trái bốn mùa để bầy con cháu ăn thoả thích. Vườn nhà ngoại là kiểu nhà vườn Nam bộ, phía trước cất nhà, chừa một khoảng sân còn phía sau toàn trồng cây. Những mít, ổi, bưởi, chuối, xoài, nhãn, thanh long, chôm chôm… cứ đầy ra cả.
Ba cây mít mật mấy chục năm tuổi, vàng ươm và tươm mật ướt cả tay mỗi khi cầm múi mít chín thơm lừng ấy. Xơ mít mật to lắm và rất ngọt. Ăn múi mít xong rồi thì gỡ xơ ăn tiếp, đến khi chỉ còn trơ lại lớp vỏ mít xù xì mới bỏ. Cùi mít là món ăn ngon miệng qua bàn tay chế biến của bà ngoại. Bà lạng lấy phần cùi có dính chút mít, còn cái lõi thì bỏ vì dai lắm.
Rồi bà xắt phần cùi mít ra thành những miếng bằng bàn tay, khía xéo xéo trên miếng cùi mít để nó dễ thấm gia vị. Gia vị ướp cùi mít của bà là vài cọng sả trong vườn xắt nhuyễn, thêm chút muối, bột nêm, ướp vào số cùi mít đó từ trưa tới chiều đem chiên cho ra món ăn ngòn ngọt mằn mặn, mềm mềm cùng mùi sả, mít quyện vào nhau.
Ổi vườn ngoại thì toàn là ổi sẻ, vỏ mỏng ruột đỏ thơm ngọt chua thanh. Khi ổi chín, mùi thơm không giấu được bọn trẻ tụi tôi. Vậy là đứa trèo, đứa tìm sào thọc. Dù trái ổi chín ấy có “hoàng tử” trong ruột, chúng tôi cũng… nhai luôn...
Tôi ở cùng ba mẹ trên thị trấn, chỉ mong điều duy nhất là ngày cuối tuần để về khu vườn của ngoại, vừa giúp ông cuốc đất bón phân, vừa thưởng thức cây trái vườn nhà cho thoả thích.
Theo Phan Hoàng Khang
Cây đa quê hương
Cây đa nghìn năm đã gắn liền với thời thơ ấu của chúng tôi. Đó là cả một tòa cổ kính hơn là một thân cây. Chín, mười đứa trẻ chúng tôi bắt tay nhau ôm không xuể. Cành cây lớn hơn cột đình. Ngọn chót vót giữa trời xanh. Rễ cây nổi lên mặt đất thành những hình thù quái lạ, như những con rắn hổ mang giận dữ. Trong vòm lá, gió chiều gẩy lên những điệu nhạc li kì tưởng chừng như ai đang cười nói.
Chiều chiều, chúng tôi ra ngồi gốc đa hóng mát. Lúa vàng gợn sóng. Xa xa, giữa cánh đồng, đàn trâu ra về, lững thững từng bước nặng nề. Bóng sừng trâu dưới ánh chiều kéo dài, lan giữa ruộng đồng yên lặng.
Theo Nguyễn Khắc Viện
Ngõ quê
Con ngõ trước nhà gói trọn vào lòng cả tuổi thơ tôi. Ở nơi ấy, bên căn nhà thân thương có mảnh sân và góc vườn bình yên, tôi đã lớn lên, đi qua những tháng năm đầu đời bằng những kỷ niệm êm đềm nhung nhớ. Con ngõ thân thương như người bạn ngày xưa...
Tôi nhớ những niềm vui đong đầy nơi con ngõ quê bình dị. Ngày nhỏ, ông vẫn thường dắt tôi đi dưới hàng cau, trong ánh nắng chiều vàng vọt, kể cho tôi nghe những câu chuyện hay, những bài học cuộc sống. Tôi nhớ những ngày cha đi làm xa về, lại mang kéo ra đầu ngõ tỉa lại hàng chè tàu, tôi vẫn lẽo đẽo theo cha. Có những chiều ngóng mẹ đi chợ về, tôi và đàn em lại ra ngồi đầu ngõ, lòng ước ao mẹ về có quà bánh cho. Vậy đó, đi qua từng ngày tháng, tôi lặng lẽ lớn lên, trong yêu thương của gia đình, dưới mái nhà tranh đầm ấm, bên con ngõ thân quen làm bạn mỗi ngày.
Theo Phạm Tuấn Vũ
Trời nắng, từng đợt lá khô theo gió rơi xao xác trên thềm. Trời mưa rêu xanh mơn mởn, má tôi phải lấy chổi cùn cọ rửa cho sạch để khỏi ngã. Hôm trước ông tôi đứng nhìn bậc thềm hồi lâu rồi bảo: “Hay tôi phá nó đi rồi nâng khoảng sân trước nhà lên bà ạ! Nó cũng cũ kĩ quá rồi, mấy chục năm rồi còn gì nữa”. Bà ngăn không cho ông phá bỏ, má tôi cũng ngăn. Thấy vậy ông đành giữ lại. Bà trồng thêm hai giậu hoa ở hai đầu bậc thềm rồi chăm chỉ tưới tắm, đến tháng trổ hoa, nhìn từ xa khung cảnh trước nhà như một vườn đầy gió. Ông tôi thường ra thềm ngồi uống trà mỗi lúc xế chiều.
Lần đầu tiên tôi vào mẫu giáo, má dắt tay tôi đi qua cái bậc thềm này để biết lớp biết trường, biết thầy cô, bè bạn. Thềm cũ mở ra cho tôi một khoảng trời mới, tôi tự nhủ với lòng rằng mình không còn là cậu nhóc bé bỏng được vỗ về, chiều chuộng trong vòng tay bà tay má ngày xưa. Qua bậc thềm này, tôi đã trở thành cậu học trò của ngôi trường làng nép mình dưới bóng cây cổ thụ. Trưa hè oi ả, gió lồng lộng từ cánh đồng thổi vào trong nhà, tôi thong dong ra bậc thềm ngồi vắt chân đọc những bài học vần mà cô giáo dạy lúc ở trường. Con mèo mướp nằm phơi mình đánh một giấc thật say mặc cho chiếc lá vàng khẽ rơi lên bụng. Thềm nhà là nơi bà tôi lặng lẽ mang chiếc áo bạc màu của ông ra tỉ mẩn vá lại cho lành để ông mặc nó đi làm, giọt mồ hôi rơi trên cánh đồng năm cũ...

Cái ao làng
Tấm gương trong sáng phản chiếu những nét sinh hoạt thân quen của làng quê là cái ao làng.
Qua nhiều làng quê đất nước ta, tôi đã gặp những ao làng trong mát, đàn vịt trắng hụp bơi lơ lửng. Bên bò ao có cây muỗm già gốc sần sùi, lá xanh tốt toả bóng râm che cho người làm đồng trưa tránh nắng đến ngồi nghỉ ; cho trâu bò đến nằm nhai uể oải, vẫy tai, ngoe nguẩy đuôi xua ruồi muỗi, mắt khép hờ lim dim…
Nói đến ao làng là nhớ đến cái cầu ao bắc bằng tấm ván có duỗi xuyên ngang lỗ hai cọc tre cứng đóng chắc nhô lên khỏi mặt ao. Xưa nay, cầu ao vẫn là cái dấu nối tình làng, nghĩa xóm thân thương. Nơi người già, ngưòi trẻ gặp nhau thường ngày bên cầu ao hoặc bò ao bày tỏ câu tâm tình, bầu bạn chuyện nhà chuyện làng xóm. cầu ao là nơi cọ, rửa, tắm, giặt, gánh nước, tưới cho hoa màu, cây quả ở vườn nhà.
Tuổi thơ tôi gắn bó với ao làng từ những trưa hè nắng oi ả, tôi từng lội, bơi, tắm mát, đùa nghịch với trẻ con cùng làng hoặc cho trâu lội xuống ao đầm mình khi chiều về. Có trưa nắng, tôi vo áo gối đầu nằm thiu thiu ngủ dưới bóng cây bên bờ ao nghe tiếng cá quẫy và tiếng sáo diều vo ve, lơ lửng trên tròi cao xanh ngắt.
Ơi, cái ao làng thân yêu gắn bó với tôi như làn khói bếp chiều toả vờn mái rạ, khóm khoai nước bên hàng rào râm bụt, tiếng lợn ỉ eo cậy chuồng, rịt mũi vòi ăn. Cái ao làng chứa chan tình quê mà những ngày thơ ấu tôi từng nằm võng với mẹ tôi, ôm tôi vào lòng, chầm bập vỗ về rót vào tâm hồn trong trắng, thơ ngây của tôi những lòi ru nồng nàn, thiết tha, mộc mạc :
Con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…
Vũ Duy Huân

Cánh diều tuổi thơ
Tuổi thơ của tôi được nâng lên từ những cánh diều.
Chiều chiều, trên bãi thả, đám trẻ mục đồng chúng tôi hò hét nhau thả diều thi. Cánh diều mềm mại như cánh bướm. Chúng tôi vui sướng đến phát dại nhìn lên trời. Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Sáo đơn, rồi sáo kép, sáo bè,... như gọi thấp xuống những vì sao sớm.
Ban đêm, trên bãi thả diều thật không còn gì huyền ảo hơn. Có cảm giác diều đang trôi trên dải Ngân Hà. Bầu trời tự do đẹp như một thảm nhung khổng lồ. Có cái gì cứ cháy lên, cháy mãi trong tâm hồn chúng tôi. Sau này, tôi mới hiểu đấy là khát vọng. Tôi đã ngửa cổ suốt một thời mới lớn để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời và bao giờ cũng hy vọng khi tha thiết cầu xin: "Bay đi diều ơi! Bay đi!" Cánh diều tuổi ngọc ngà bay đi, mang theo nỗi khát khao của tôi.
Tạ Duy Anh
Triền đề tuổi thơ
Tuổi thơ tôi với con đê sông Hồng gắn liền như hình với bóng, tựa hai người bạn thân thiết suốt ngày quấn quýt bên nhau. Từ lúc chập chững biết đi, mẹ đã dắt tôi men theo bờ cỏ chân đê. Con đê thân thuộc đã nâng bước, dìu dắt và tôi luyện cho những bước chân của tôi ngày một chắc chắn để tự tin lớn lên, tự tin bước vào đời. Chẳng riêng gì tôi, mà hầu hết những đứa nhỏ sinh ra ở trong làng đều coi con đê là bạn. Chúng cũng nô đùa, chơi trò đuổi bắt, chơi ô ăn quan trên đê mỗi khi bố mẹ vắng nhà ra đồng, ra bãi làm việc. Tuổi học trò, cứ sáng cắp sách tới trường, chiều về cả hội lại lùa tất cả trâu, bò lên đê cho chúng gặm cỏ và tha hồ vui chơi đợi khi hoàng hôn xuống trở về làng. Những đêm trăng thanh gió mát lên đê trải chiếu nằm đếm sao trời mới tuyệt và thú làm sao. Tôi nhớ nhất là những đêm Trung thu, người lớn trong làng tổ chức bày cỗ cho thiếu nhi trên mặt đê rất vui và không khí của lễ hội trẻ em kéo dài tưởng như bất tận...
Năm tháng qua đi, những lối mòn chạy xéo ngoằn ngoèo từ chân lên tới mặt đê đã in dấu biết bao bàn chân của các thế hệ sớm hôm đi, về. Đời người ai cũng có nhiều đổi thay qua thời gian, song con đê vẫn gần như nguyên vẹn, vẫn sừng sững chở che bao bọc lấy dân làng tôi cũng như cả một vùng rộng lớn. Những trận lũ lớn đỏ ngầu phù sa hung dữ, con đê lại gồng mình lên để không chỉ bảo vệ cho tính mạng con người, gia súc mà còn bảo vệ cả mùa màng...
...Xa quê bao năm trời, mùa lũ này tôi mới trở lại quê hương, trở lại làng quê đã sinh ra và nuôi tôi lớn khôn. Con đê vẫn đấy, màu xanh của cỏ mượt mà vẫn đấy. Tôi tần ngần dạo gót trên chiều dài của con đê chạy suốt từ điếm canh đê này tới điếm canh đê kia và mường tượng nhớ về những kỉ niệm của một thời xa xăm...
Theo Nguyễn Hoàng Đại
Tình quê hương
Làng quê tôi đã khuất hẳn, nhưng tôi vẫn đăm đắm nhìn theo. Tôi đã đi nhiều nơi, đóng quân nhiều chỗ phong cảnh đẹp hơn đây nhiều, nhân dân coi tôi như người làng và cũng có những người yêu tôi tha thiết, nhưng sao sức quyến rũ, nhớ thương vẫn không mãnh liệt, day dứt bằng mảnh đất cọc cằn này.
Ở mảnh đất ấy, tháng giêng, tôi đi đốt bãi, đào ổ chuột ; tháng tám nước lên, tôi đánh giậm, úp cá, đơm tép ; tháng chín, tháng mười, đi móc con da (1) dưới vệ sông. Ở mảnh đất ấy, những ngày chợ phiên, dì tôi lại mua cho vài cái bánh rợm (2) … Những tối liên hoan xã, nghe cái Tị hát chèo và đôi lúc lại ngồi nói chuyện với Cún con, nhắc lại những kỉ niệm đẹp đẽ thời thơ ấu.
Phảng phất trong không khí có thứ mùi quen thuộc, không hẳn là mùi nhang ngày Tết, cũng không phải là thứ mùi nào khác có thể gọi tên được,có lẽ đã lâu lắm, nay tôi lại cảm thấy nó. Thôi tôi nhớ ra rồi… Đó là thứ mùi vị rất đặc biệt,mùi vị của quê hương.
Theo Nguyễn Khải
(1) Con da: một loại cua giống cua đồng nhưng chân có lông.
(2) Bánh rợm: một loại bánh làm bằng bột nếp, gói bằng lá chuối tươi.
Hoa đồng nội
Không hiểu vì sao và từ bao giờ, tôi yêu hoa đồng nội đến thế. Không rực rỡ, lộng lẫy như bao loài hoa khác, hoa đồng nội đẹp mỏng manh trong bộ cánh trắng mềm mại điểm nhị vàng và có mùi thơm ngai ngái. Hoa nở khắp nơi trên cánh đồng. Những cánh hoa nép mình bên bờ mương, lẫn trong đám cỏ xanh um hay lao xao trên bờ đê giữa mênh mông nắng gió. Chúng nở suốt bốn mùa, trong tiết trời ấm áp của mùa xuân, nắng cháy của mùa hạ hay giữa cái rét thâm tím của chiều mưa mùa đông. Thân cây mảnh nhưng sống tập trung thành lùm, rễ đan nhau bám chặt vào đất cùng chịu mưa gió, bão táp.
Lũ trẻ nông thôn chúng tôi từ khi sinh ra đã biết đến cánh đồng qua lời ru của mẹ. Lớn lên độ năm, sáu tuổi, dắt con nghé ra đồng, chúng tôi làm bạn với những cọng cỏ, con mương, thuyền lá và đặc biệt là hoa đồng nội. Thả cho trâu bò gặm cỏ dọc triền đê, lũ con gái chạy khắp đồng tìm ngắt hoa cho đầy vạt áo rồi xúm xít lê la trên cỏ kết thành từng vòng, thích thú đeo tay, vào cổ đóng giả làm công chúa. Chúng tôi mải mê chơi, nhiều khi quên cả trông trâu, bò để chúng ăn lúa. Lúa về, bọn con gái thường thu gom những cánh hoa rơi vào chiếc giỏ xinh xinh mà bà đan cho, đem về đặt ở đầu giường để hoa đi vào giấc mơ làm công chúa,...
Những chiều đi học về, tôi vẫn thường lang thang trên cánh đồng, lòng xao động trước vẻ đẹp mộc mạc mà đầy sức sống của hoa đồng nội. Muôn ngàn cánh hoa rung rinh trước gió như muôn ngàn bướm rập rờn bay. Những cánh hoa đung đưa như đang say sưa hát, ca ngợi vẻ đẹp của đồng quê.
Theo Nguyễn Tuyết Mai
Quà của đồng nội
Cơn gió mùa hạ lướt qua vùng sen trên hồ, nhuần thấm cái hương thơm của lá, như báo trước mùa về của một thức quà thanh nhã và tinh khiết.
Khi đi qua những cánh đồng xanh, bạn có ngửi thấy mùi thơm mát của bông lúa non không ? Trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ. Dưới ánh nắng, giọt sữa dần dần đông lại, bông lúa ngày càng cong xuống, nặng vì chất quý trong sạch của trời.
Đợi đến lúc vừa nhất, người ta gặt mang về. Bằng những cách thức riêng truyền từ đời này sang đời khác, một sự bí mật trân trọng và khe khắt giữ gìn, các cô gái làng Vòng làm ra thứ cốm dẻo và thơm ấy...
Cốm là thức quà riêng biệt của những cánh đồng lúa bát ngát, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam...
Theo Thạch Lam
Tiếng vườn
1. Mùa xuân về lúc nào không rõ. Tôi nghe tiếng vườn gọi.
2. Trong vườn, cây muỗm khoe chùm hoa mới. Hoa muỗm tua tủa trổ thẳng lên trời. Hoa nhài trắng xóa bên vại nước. Những bông nhài trắng một màu trắng tinh khôi, hương thơm ngọt ngào. Khi hoa nhài nở, hoa bưởi cũng đua nhau nở rộ. Từng chùm hoa bưởi, cánh trắng chẳng kém hoa nhài, nhưng lại có những tua nhị vàng như những bông thủy tiên thu nhỏ.
3. Nhưng ấn tượng nhất là những tán xoan. Cả mùa đông phơi thân cành khô cong trước gió lạnh, vậy mà hơi xuân vừa chớm đến, trên những cành cây khô ấy bỗng vỡ òa ra những chùm lộc biếc.
4. Trong những tán lá cây vườn, chim vành khuyên lích chích tìm sâu trong bụi chanh. Những cánh ong mật quay tít trên chùm hoa bưởi. Đàn chào mào ríu rít trên các cành xoan, vừa ở vườn này đã bay sang vườn khác.
Theo Ngô Văn Phú
*Từ ngữ:
- Muỗm: cây cùng loại với xoài, quả giống quả xoài nhưng nhỏ hơn.
- Tua tủa: từ gợi tả dáng chĩa ra không đều của nhiều vật cứng, nhọn.
- Tinh khôi: hoàn toàn tinh khiết, thuần một tính chất nào đó, tạo cảm giác tươi đẹp.
Vườn ông vườn xuân
Theo Phong Thu
Vườn ổi của ngoại tôi
Hồi bé, tôi rất mong đến cuối tuần để được lên chơi với ngoại.
Nhà ngoại có mảnh vườn rộng lắm. Ở đó, ngoại trồng đủ mọi loại cây: dâu da, táo, chuối, lựu, bưởi, mít, ổi. Có tới hàng chục gốc ổi với nhiều loại khác nhau. Ngoại hay dẫn tôi ra vườn làm cỏ, chăm cây và chỉ cho tôi đặc điểm từng loại: ổi bo là giống ổi quả to, thơm ngọt; ổi găng quả nhỏ nhưng rất giòn và ngon, ổi đào vỏ xanh ruột hồng ăn mềm và ngọt. Ở cuối vườn, ngoại trồng một cây ổi thóc. Loại ổi này tôi cực thích vì nó tuy nhỏ nhưng khi chín vỏ màu vàng, thịt ổi mềm và nhất là thơm mát. Tôi thường chọn những quả đã chín kĩ, bỏ núm và cắn một miếng thật to, chưa ăn vội nhưng để nghe mùi thơm và ngọt tan trong miệng.
Hôm nào về thăm ngoại, sau tiếng chào ngoại thật to là tôi ba chân bốn cẳng chạy tót ra vườn tìm ổi. Tôi và đứa em nhà dì có thể chơi cả ngày ngoài vườn ổi mà không chán. Sau khi đã ăn ổi no nê, chúng tôi bày trò chơi. Hai chị em leo lên cây ổi, nằm vắt vẻo trên những cành to nhất để nhìn ngắm mây trời và kể đủ mọi thứ chuyện huyên thuyên. Rồi bày trò chơi bán hàng. Hàng hóa là trái ổi, tiền mua là lá ổi. Chúng tôi còn lấy cả những cành ổi để làm ná thun bắn chim nữa… Cứ như vậy, tuổi thơ tôi trôi theo những mùa ổi của ngoại.

Thân Thị Hoàng Oanh @ 16:30 09/02/2023
Số lượt xem: 5582
- Tuần 17. Bài đọc về nghề nghiệp (02/01/23)
- Tuần 16. Thơ về nghề nghiệp (23/12/22)
- Tuần 15. Bài đọc về bạn bè (04/12/22)
- Tuần 24 - Bài đọc về thiên nhiên (13/11/22)
- Tuần 11. Bài đọc về đồ vật, con vật (11/11/22)
TV 2. Đọc mở rộng tuần 19, 20