Thơ văn về đồ vật, con vật
Quyển vở của em
Quyển vở này mở ra
Bao nhiêu trang giấy trắng
Từng dòng kẻ ngay ngắn
Như chúng em xếp hàng.
Lật từng trang, từng trang
Giấy trắng sờ mát rượi
Thơm tho mùi giấy mới
Nắn nót bàn tay xinh.
Ơi quyển vở mới tinh
Em viết cho sạch, đẹp
Chữ đẹp là tính nết
Của những người trò ngoan.
Quang Huy
Đồng hồ quả lắc
Tích tắc! Tích tắc!
Đồng hồ quả lắc
Tích tắc đêm ngày
Không ngừng phút giây.
Tích tắc! Tích tắc!
Đồng hồ luôn nhắc:
Học, chơi, ăn, ngủ
Có giờ có giấc.
Tích tắc! Tích tắc!
Đồng hồ luôn nhắc
Từng phút từng giờ
Quý hơn vàng bạc.
Đinh Xuân Tửu
Cái trống trường em
Cái trống trường em
Mùa hè cũng nghỉ
Suốt ba tháng liền
Trống nằm ngẫm nghĩ.
Buồn không hả trống
Trong những ngày hè
Bọn mình đi vắng
Chỉ còn tiếng ve ?
Cái trống lặng im
Nghiêng đầu trên giá
Chắc thấy chúng em
Nó mừng vui quá !
Kìa trống đang gọi
Tùng! Tùng! Tùng! Tùng!
Vào năm học mới
Rộn vang tưng bừng.
Thanh Hào
Thuyền giấy
Bé trên bờ với xuống
Thả con thuyền trắng tinh
Thuyền giấy vừa chạm nước
Đã hối hả trôi nhanh
Bé nhìn thuyền lênh đênh
Tưởng mình ngồi trên ấy
Mỗi đám cỏ thuyền qua
Là một làng xóm đấy!
Bé thích lắm reo lên
Thuyền vẫn trôi, trôi mãi
Bé vạch cỏ, vạch lau
Chạy bên thuyền giục, vẫy…
Thuyền phăng phăng trên nước
Bé băng băng trên bờ
Bé theo thuyền, theo mãi
Mặc ông trời chuyển mưa…
Phạm Hổ
Đèn giao thông
Đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng
Ba đèn tín hiệu an toàn giao thông
Đi đường bé nhớ nghe không!
Đèn xanh tín hiệu đã thông đường rồi
Đèn vàng đi chậm lại thôi,
Đèn đỏ dừng lại, kẻo rồi đâm nhau
Bé ngoan, bé nhớ làu làu
Xanh: đi, đỏ: phải dừng mau đúng rồi.
Mỹ Trang.
CUỐN SÁCH CỦA EM
Mỗi cuốn sách có một tên gọi. Tên sách là hàng chữ lớn ở khoảng giữa bìa sách, thường chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Qua tên sách, em có thể biết được sách viết về điều gì.
Người viết cuốn sách được gọi là tác giả. Tên tác giả thường được ghi vào phía trên của bìa sách.
Nơi các cuốn sách ra đời được gọi là nhà xuất bản. Tên nhà xuất bản thường được ghi ở phía dưới bìa sách.
Phần lớn các cuốn sách đều có mục lục thể hiện các mục chính và vị trí của chúng trong cuốn sách. Mục lục thường được đặt ở ngay sau trang bìa, cũng có khi được đặt ở cuối sách.
Mỗi lần đọc một cuốn sách mới, đừng quên những điều này em nhé.
Nhật Huy
Trên chiếc bè
Tôi và Dế Trũi rủ nhau đi ngao du thiên hạ. Chúng tôi ngày đi, đêm nghỉ, cùng nhau say ngắm dọc đường.
Ngày kia, đến một bờ sông, chúng tôi ghép ba bốn lá bèo sen lại, làm một chiếc bè. Bè theo dòng nước trôi băng băng.
Mùa thu mới chớm nhưng nước đã trong vắt, trông thấy cả hòn cuội trắng tinh nằm dưới đáy. Nhìn hai bên bờ sông, cỏ cây và những làng gần, núi xa hiện ra luôn mới. Những anh gọng vó đen sạm, gầy và cao, nghênh cặp chân gọng vó đứng trên bãi lầy bái phục nhìn theo chúng tôi. Những ả cua kềnh cũng giương đôi mắt lồi, âu yếm ngó theo. Đàn săn sắt và cá thầu dầu thoáng gặp đâu cũng lăng xăng cố bơi theo chiếc bè, hoan nghênh váng cả mặt nước.
Theo Tô Hoài
Bạn nhỏ trong nhà
Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên nhà tôi có một chú chó nhỏ. Buổi sáng hôm đó, tôi nghe tiếng cào khẽ vào cửa phòng. Mở cửa ra, tôi nhìn thấy một chú chó con. Nó tuyệt xinh: lông trắng, khoang đen, đôi mắt tròn xoe và loáng ướt. Nó rúc vào chân tôi, nức lên những tiếng khe khẽ trong cổ, cái đuôi bé xíu ngoáy tít, hệt như một đứa trẻ làm nũng mẹ.
Tôi đặt tên nó là Cúp. Tôi chưa dạy Cúp những chuyện tài giỏi như làm xiếc. Nhưng so với những chú chó bình thường khác, Cúp không thua kém gì. Cúp biết chui vào gầm giường lấy trái banh, đem cho tôi chiếc khăn lau nhà, đưa hai chân trước lên mỗi khi tôi chìa tay cho nó bắt. Cúp còn rất thích nghe tôi đọc truyện. Mỗi khi tôi đọc cho Cúp nghe, nó nằm khoanh tròn trên lòng tôi. Lúc tôi đọc xong, gấp sách lại, đã thấy cu cậu ngủ khò từ lúc nào.
Tôi và Cúp ngày ngày quấn quýt bên nhau. Mỗi khi tôi đi học về, Cúp chạy vọt ra, chồm hai chân trước lên mừng rỡ. Tôi cúi xuống vỗ về Cúp. Nó âu yếm dụi cái mõm ươn ướt, mềm mềm vào chân tôi.
(Theo Trần Đức Tiến)
Từ ngữ:
Con chó nhà hàng xóm
1. Bé rất thích chó những nhà Bé không nuôi con nào. Bé đành chơi với Cún Bông, con chó của bác hàng xóm. Bé và Cún thường nhảy nhót tung tăng khắp vườn.
2. Một hôm, mải chạy, Bé vấp phải một khúc gỗ và ngã đau, không đứng dậy được. Bé khóc. Cún nhìn Bé rồi chạy đi tìm người giúp. Vết thương khả năng nên Bé phải bó bột, nằm bất động trên giường.
3. Bạn bè thay nhau đến thăm, kể chuyện, mang quà cho Bé. Nhưng khi các bạn về. Bé lại buồn. Thấy vậy, mẹ lo lắng hỏi:
- Con muốn mẹ giúp gì nào?
- Con nhớ Cún, mẹ ạ!
4. Ngày hôm sau, bác hàng xóm dẫn Cún sang chơi với Bé. Bé và Cún càng thân thiết. Cún mang cho Bé khi thì tờ báo, khi thì con búp bê,… Thỉnh thoảng, Cún muốn chạy nhảy, nô đùa. Nhưng con vật thông minh hiểu rằng chưa đến lúc chạy đi chơi được.
5. Ngày tháo bột đã đến. Bác sĩ rất hài lòng vì vết thương của Bé đã lành hẳn. Nhìn Bé vuốt ve Cún, bác sĩ hiểu chính Cún đã giúp Bé mau lành.
Theo Thúy Hà
- Tung tăng: vừa đi vừa nhảy, có vẻ rất vui thích.
- Bó bột: dùng khuôn bột thạch cao giữ chặt chỗ xương gãy.
Bồ câu tung cánh
1. Tổ tiên bồ câu nhà là loài bồ câu núi chuyên làm tổ trên vách đá. Bồ câu được con người đưa về nuôi từ cách đây năm nghìn năm. Mỗi năm, bồ câu đẻ nhiều lứa, mỗi lứa hai trứng. Bồ câu bố mẹ thay nhau ấp trứng. Khi chim non mới ra đời, bố mẹ không mớm mồi mà mớm sữa chứa trong diều cho con.
2. Bồ câu rất thông minh. Chúng có thể bay xa tới một nghìn tám trăm ki-lô-mét, nhưng dù bay xa đến đâu, chúng vẫn nhớ đường về. Vì thế, từ xưa, người ta đã huấn luyện bồ câu để đưa thư. Ở nước ta, trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh, tướng Nguyễn Chích đã dùng bồ câu đưa tin, góp phần đánh thắng nhiều trận quan trọng.
3. Sau này, mặc dù đã có những phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, ở một số nước, người ta vẫn sử dụng bưu điện chim bồ câu. Bưu điện này có hẳn một loại tem riêng.
Theo sách Những con vật bầu bạn tuổi thơ
Thân Thị Hoàng Oanh @ 07:12 09/10/2022
Số lượt xem: 334
- Tuần 6. Đọc mở rộng: Bài đọc về gia đình (06/10/22)
- Ông bà (05/10/22)
- Đọc mở rộng: Bài đọc - bài văn về trẻ em (29/09/22)
- Tuần 3. Đọc mở rộng: Thơ về trẻ em (19/09/22)
- Đọc mở rộng lớp 2 (03/09/22)
CÁC Ý KIẾN MỚI NHẤT